This isn't an official website of the European Union

Cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bài phát biểu của Đại diện Cấp cao/Phó Chủ tịch Josep Borrell tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

03.06.2021

Kính thưa quý vị, quý đồng nghiệp

Xin cảm ơn lời mời của quý vị cũng như cơ hội để trình bày cam kết của EU đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đây là một khu vực năng động, là một không gian chiến lược giống như một khu vực địa lý mà chúng tôi xác định là trải dài từ Đông Phi đến các Quốc đảo Thái Bình Dương. Khu vực nay đang trở thành trung tâm trọng điểm của thế giới, cả về địa kinh tế và địa chính trị.

Với tư cách của EU, chúng tôi có những lợi ích quan trọng trong khu vực: EU là nhà đầu tư và nhà cung cấp hỗ trợ phát triển hàng đầu cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Nói cách khác, chúng tôi cũng là một tác nhân của sự phát triển Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hãy để tôi đưa ra một vài con số để làm rõ điều này: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tạo ra 60% GDP toàn cầu và 2/3 tăng trưởng toàn cầu. Đây là điểm đến lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu của EU; và là quê hương của bốn trong số mười đối tác thương mại hàng đầu của EU.

Đến năm 2030, phần lớn (90%) trong số 2,4 tỷ thành viên mới của tầng lớp trung lưu sẽ đến từ khu vực này.

Tuy vậy, giữa tất cả những sự năng động này, sự ổn định của khu vực đang ngày càng bị thách thức: tranh chấp trên biển và đất liền, các cuộc khủng hoảng và xung đột nội bộ, và cạnh tranh địa-chính trị Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Chúng ta thấy những hậu quả trên khắp thế giới, nhưng rõ nét nhất là ở khu vực này.

Một dấu hiệu rõ ràng là sự xây dựng lực lượng quân sự mạnh mẽ trong khu vực. Dưới đây là một thống kê biết nói khác:

Tỷ trọng chi tiêu quân sự toàn cầu của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tăng từ 20% năm 2009 lên 28% vào năm 2019 và đang tiếp tục tăng. Điều đó có nghĩa là các quốc gia trong khu vực này đang đầu tư một cách mạnh mẽ vào quân đội của họ, vì họ không chắc tương lai sẽ ra sao. Đó là một dấu hiệu cho thấy bối cảnh an ninh khu vực đang xấu đi.

Trong bối cảnh này, dân chủ và các quyền tự do cơ bản đang bị tấn công, như chúng ta đã thấy gần đây nhất ở Myanmar.

Rủi ro rõ rệt ở đây là chính trị và chủ nghĩa dân tộc lấn át sự phát triển và hợp tác kinh tế, vốn là chất keo gắn kết các quốc gia trong khu vực lại với nhau và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, kiến trúc an ninh và trật tự khu vực của châu Á vẫn đang được thực hiện. Ở trong và xung quanh châu Âu, chắc chắn cũng có nhiều thách thức an ninh. Tôi dành nhiều thời gian để giải quyết xung đột ở khu vực lân cận của chúng tôi. Nhưng theo thời gian, người châu Âu đã phát triển những khuôn khổ thể chế mạnh mẽ, chẳng hạn như EU và NATO, cũng như OSCE và Hội đồng của châu Âu.

Tại châu Á, chúng tôi có các tổ chức lấy ASEAN làm trung tâm và định hướng cho hợp tác an ninh bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN, trong đó EU là một thành viên tích cực. Chúng ta ngày càng thấy sự phát triển của các khuôn khổ khác, được dẫn dắt bởi Trung Quốc và Nhóm Bộ tứ là những ví dụ.

Ngay từ năm 2013, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa cho biết khu vực phải chuyển từ “sự thiếu hụt lòng tin sang xây dựng lòng tin chiến lược”.

Khu vực Ấn Độ Dương là tương lai, nhưng sự mất an ninh và căng thẳng đang gia tăng, đe dọa trật tự và sự cân bằng của khu vực năng động này. Điểm mấu chốt ở đây là sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này phụ thuộc vào sự cởi mở, các quy tắc ổn định, được chia sẻ, cũng như an ninh chung.

Lợi ích của EU chính nằm ở điều này: trật tự khu vực được duy trì mở và dựa trên các quy tắc. Chúng tôi có thể đóng góp rất nhiều, điều mà - như tôi đã chứng kiến trong chuyến thăm của mình - được các đối tác khu vực công nhận, là những đối tác coi EU là một chủ thể đáng tin cậy.

Một Viện nghiên cứu ở Singapore gần đây đã hỏi những nhân vật có quan điểm ảnh hưởng và các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á xem ai sẽ là đối tác chiến lược được ưa chuộng và tin cậy nhất của họ.

Bốn trong số mười người được hỏi đã chọn EU!

Chúng tôi có lẽ không hào nhoáng như các đối tác khác, nhưng chúng tôi cũng không đi con đường ngoằn ngoèo.

Chúng tôi không có chương trình nghị sự ẩn. Những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được.
Chúng tôi đáng tin cậy và có thể dự liệu được. Chúng tôi có thể và đang cam kết lâu dài.

EU đã thể hiện khả năng của mình thông qua sự ứng phó của chúng tôi trước đại dịch. Chúng tôi đang hỗ trợ các đối tác toàn cầu của mình giải quyết những hậu quả thông qua gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 40 tỷ euro.

Chúng tôi ủng hộ chủ nghĩa đa phương về vắc-xin và tin rằng Cơ chế COVAX là cách tốt nhất để đảm bảo cho việc tiếp cận vắc-xin của các nước đối tác có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực này. Chúng tôi cung cấp tiền ở những nơi cần tới và EU hiện là đối tác đóng góp lớn thứ hai cho COVAX với hơn 2,4 tỷ euro.

Ngoài ra, chúng tôi là nhà xuất khẩu vắc xin lớn nhất thế giới. Với hơn 240 triệu liều, chúng tôi đã xuất khẩu khoảng một nửa sản lượng của mình sang 90 quốc gia.

Và tôi cũng nhấn mạnh rằng “Chứng nhận số COVID của EU” mà Liên minh Châu Âu đang nghiên cứu sẽ không phải là độc quyền hoặc để xây dựng các rào cản. Nó chủ yếu là để quy định và cho phép đi lại trong EU.

Trong nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, chúng tôi đã chủ đích chọn một con đường khác với những đối tác khác. Chúng tôi không đưa ra đối xử ưu đãi, cũng như không đòi nhận lại sự ủng hộ chính trị. Thay vào đó, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác cụ thể, bao gồm cả với ASEAN. Mới tuần trước, chúng tôi đã tổ chức cuộc đối thoại chuyên gia thứ hai về vắc xin với ASEAN về nghiên cứu, sản xuất và triển khai vắc xin.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU

EU muốn mở rộng cam kết với khu vực này, đó là lý do tại sao 27 Bộ trưởng Ngoại giao EU gần đây đã thông qua một Chiến lược hợp tác mới của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau khi một số quốc gia thành viên EU đã làm điều tương tự ở cấp quốc gia.

Thông điệp cơ bản là EU sẽ hợp tác với các đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ứng phó với những động lực mới nổi đang ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Cách tiếp cận của chúng tôi rất gần với Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cụ thể, chúng ta sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác chung nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở cửa kinh tế và một cách tiếp cận bền vững đối với sự kết nối.

Chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết các thách thức toàn cầu, từ đại dịch đến khí hậu, từ quản trị đại dương đến kỹ thuật số.

Và chúng tôi sẽ tăng cường cam kết về an ninh của mình, tìm cách làm cho sự hợp tác đó cụ thể nhất có thể.

Chiến lược mới của chúng tôi nhằm mục đích làm sâu sắc hội nhập khu vực và mang tính bao trùm cho tất cả các đối tác của chúng tôi trong khu vực, có mong muốn hợp tác với EU khi lợi ích của chúng ta song trùng. Chiến lược này bao gồm cả Trung Quốc vì chúng tôi biết rằng trong các lĩnh vực quan trọng như khí hậu, ngư nghiệp và đa dạng sinh học, sự hợp tác của họ là rất cần thiết.

Chúng tôi không đặt mục tiêu tạo ra các khối đối thủ hoặc buộc các quốc gia đứng về phía nào và muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với các đối tác dân chủ, cùng chí hướng. Cam kết của Liên minh châu Âu đối với các quyền dân chủ và tự do cơ bản là rất mạnh mẽ. Không phải bởi vì chúng tôi coi đây là những nền tảng của châu Âu hay phương Tây, mà bởi vì những giá trị và nguyên tắc này mang tính phổ quát.

Nhiều quốc gia và chắc chắn là cả người dân trong khu vực này chia sẻ quan điểm của chúng tôi: họ muốn xác định tương lai chính trị của mình và các quyền của họ được bảo vệ.
ASEAN ở vào vị trí trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương của EU; bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với các tổ chức khu vực khác thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chúng tôi từ lâu đã là đối tác phát triển số một của ASEAN, nhưng cũng đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba và nhà đầu tư đứng thứ ba. Xuất khẩu của chúng tôi sang các nước ASEAN đã tăng từ 54 tỷ Euro năm 2010 lên 85 tỷ Euro vào năm 2019 và nhập khẩu từ các nước ASEAN thậm chí còn tăng nhiều hơn, từ 72 tỷ Euro năm 2019 lên 125 tỷ Euro. Đến năm 2050, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Cuối cùng thì vào năm ngoái, chúng tôi đã khởi động quan hệ Đối tác Chiến lược EU-ASEAN. Đó là một dấu mốc cho thấy cả hai bên đều muốn mở rộng quy mô và định hướng lại sự hợp tác của chúng tôi. Hai bên không chỉ hợp tác về thương mại, đầu tư và phát triển bền vững, mặc dù đây đều là những lĩnh vực quan trọng.

Mà cả về vấn đề chiến lược. Để đưa ra một ví dụ, hãy nói về an ninh hàng hải.
Trước hết, chúng tôi rất chú trọng đến an ninh của khu vực. Cũng bởi vì khoảng 40% ngoại thương của EU đi qua Biển Đông, nên sự ổn định trong khu vực trở thành một mối quan tâm chung và là một lĩnh vực hợp tác.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã có một cuộc đối thoại chuyên biệt về hợp tác an ninh hàng hải, nơi EU và ASEAN chia sẻ các thông lệ tốt nhất và bài học kinh nghiệm.
Chúng tôi đang tìm hiểu các phương án về cách thức tăng cường sự hiện diện hàng hải của EU trong không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng dự án Các tuyến đường Hàng hải Trọng yếu của EU từ Ấn Độ Dương đến Đông Nam Á.

Giống như ASEAN, EU cam kết đảm bảo các tuyến đường cung ứng trên biển an toàn, tự do và rộng mở ở Biển Đông, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Chúng tôi ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.

Kết nối là một kế hoạch lớn khác trong chiến lược Ấn Độ Dương của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ một cách tiếp cận bền vững và dựa trên quy tắc đối với vấn đề kết nối, được xây dựng dựa trên tính minh bạch, quyền làm chủ ở khu vực và tính bền vững về tài chính và môi trường.

Chúng tôi tin rằng điều này phù hợp với những gì mà nhiều đối tác khu vực của chúng tôi mong muốn. EU và ASEAN đã hợp tác chặt chẽ về Kết nối trong nhiều năm, phản ánh những kinh nghiệm độc đáo của hai dự án hội nhập khu vực và cả hai bên cùng cam kết làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác này. Việc hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện (CATA), sắp được triển khai, là một cột mốc quan trọng khác trong lĩnh vực này và trong kết nối hàng không.
Nhìn vào đầu tư và tài chính, nhận thức phổ biến và thực tế là hai phạm trù khác nhau. Tôi muốn dẫn lại một số số liệu cơ bản.

EU là nhà đầu tư toàn cầu lớn nhất, với tổng nguồn vốn đạt 11,6 nghìn tỷ Euro, so với Mỹ với 6,8 nghìn tỷ Euro, Trung Quốc 1,9 nghìn tỷ Euro và 1,5 nghìn tỷ Euro đối với Nhật Bản.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển của chúng tôi từ năm 2013 đến năm 2018 của EU là 414 tỷ Euro dưới dạng viện trợ không hoàn lại. Điều này có thể so sánh một cách tương đối với những gì Trung Quốc cung cấp cho các dự án Vành đai và Con đường trị giá 434 tỷ Euro nhưng dưới dạng các khoản cho vay.

Tôi biết rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng so sánh với loại số liệu này. Thường vẫn có sự thiếu minh bạch và mọi người đều cố gắng ‘làm đẹp’ hồ sơ của họ.

Nhưng điểm đáng nói hơn là: EU là một siêu cường kinh tế. Chúng tôi giữ một kỷ lục về sự mở cửa kinh tế và hỗ trợ phát triển. Và chúng tôi sẵn sàng tiếp tục con đường đó cùng với các bạn trong ASEAN. Để nỗ lực cho một sự phục hồi mang lại lợi ích cho các dân tộc của chúng ta.
Bất chấp tác động của đại dịch, ASEAN có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tổng GDP của ASEAN là 3 nghìn tỷ Đô-la và dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay. Indonesia sẽ tăng trưởng ấn tượng 5% trong năm nay và năm sau. Dự báo tăng trưởng mới nhất của Ủy ban châu Âu cho thấy mức tăng trưởng ở EU là 4,2% vào năm 2021 và 4,4% vào năm 2022.

Một sự thật là chúng ta phụ thuộc vào thành công kinh tế của nhau. Ở đây, chúng tôi cũng tin tưởng vào vai trò chủ tịch G20 sắp tới của Indonesia sẽ cùng hợp tác đặt sự phục hồi toàn cầu trên một nền tảng bền vững và bao trùm. Đẻ giảm bất bình đẳng toàn cầu và chống lại khủng hoảng khí hậu.

Thưa các đồng nghiệp và các bạn,

Tôi đến đây vì tôi bị thuyết phục sâu sắc về sự cần thiết của EU phải cam kết nhiều hơn tại và với Ấn Độ Dương. Để cùng nhau hợp tác về an ninh chung, kết nối bền vững và các thách thức toàn cầu. Và trong những ngày qua, những cuộc gặp gỡ, thảo luận của tôi đã chứng minh cho điều này.

EU và ASEAN là những các đối tác tự nhiên. Chúng ta hãy cùng tiếp tục đưa quan hệ đối tác này phát triển, vì sự ổn định và tiến bộ của khu vực và toàn cầu, cũng như vì lợi ích chung của chúng ta.

Cảm ơn sự lắng nghe của quý vị và tôi kỳ vọng vào cuộc thảo luận của chúng ta.

Nabila Massrali
Spokesperson for Foreign Affairs and Security Policy
+32 (0) 2 29 88093
+32 (0) 460 79 52 44