This isn't an official website of the European Union

ASEAN-EU: Thông cáo báo chí chung của cuộc họp lần thứ 28 của Ủy Ban Hợp Tác Hỗn hợp

26.03.2021

Cuộc họp lần thứ 28 của Ủy ban Hỗ hợp về Hợp Tác (JCC) giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã được tổ chức qua hình thức trực tuyến vào thứ Sáu, ngày 26 tháng 3 năm 2021.

Cuộc họp hoan nghênh việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU (AEMM) lần thứ 23 vào ngày 1 tháng 12 năm 2020 thông qua họp trực tuyến. Trong AEMM lần thứ 23, các Bộ trưởng tái khẳng định các giá trị chung và lợi ích chung làm nền tảng cho tính toàn diện, năng động và nhiều mặt của quan hệ ASEAN-EU và vai trò quan trọng của ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Cả hai bên nhắc lại quyết định được đưa ra trong AEMM lần thứ 23 là nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược và hướng tới các cuộc thảo luận sâu hơn khi Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU được khai mạc.

Các quan chức ASEAN và EU đã ghi nhận tác động chưa từng có của đại dịch COVID-19 và tái khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng hiện tại và tương lai của cả hai khu vực. Cả hai bên nhắc lại việc tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng ASEAN-EU về COVID-19 vào tháng 3 năm 2020. ASEAN bày tỏ đánh giá cao đối với sự hỗ trợ hơn 800 triệu euro của Team Europe “Nhóm châu Âu” - bao gồm cả EU để chống lại sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động của nó đối với khu vực bao gồm chương trình hỗ trợ bổ sung “Chuẩn bị và ứng phó với đại dịch y tế Đông Nam Á” trị giá 20 triệu euro do Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện. ASEAN đã ghi nhận thông báo của EU từ ngày 23 tháng 3 năm 2021 về việc phân bổ 11 triệu euro cho hoạt động phòng ngừa thiên tai và viện trợ nhân đạo ở khu vực Đông Nam Á, để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đại dịch coronavirus và xung đột.

ASEAN và EU đánh giá cao cuộc Đối thoại giữa các chuyên gia EU-ASEAN về Vắc xin COVID-19 được tổ chức vào ngày 8 tháng 12 năm 2020 và mong Đối thoại tiếp tục vào tháng 5 năm 2021. Hai bên bày tỏ sự ủng hộ tiếp tục chủ nghĩa đa phương về vắc xin, Tổ chức Y tế Thế giới và tiếp cận công bằng, bình đẳng và giá cả phải chăng đối với vắc xin an toàn và hiệu quả trong khuôn khổ Cơ chế COVAX đa phương. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã ghi nhận sự đóng góp hơn 850 triệu euro của EU trong các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay được đảm bảo cho Cơ chế COVAX để mua, bảo đảm và cung cấp vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tăng tốc năng lực sản xuất cho nguồn cung toàn cầu của họ.

Cả hai bên đều nhấn mạnh nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 mà sẽ cho phép cả ASEAN và EU “xây dựng trở lại tốt hơn”, xanh hơn với cách thức bền vững, bao trùm và linh hoạt hơn, bao gồm thông qua hỗ trợ thực hiện của Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN và với sự hỗ trợ của Cơ chế kháng cự và Phục hồi EU tại Liên minh châu Âu.

Cuộc họp cũng trao đổi quan điểm về những phát triển gần đây ở cả hai khu vực, bao gồm các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Brunei Darussalam đã trình bày các ưu tiên và những công việc chính đã thực hiện với chủ đề “Chúng tôi quan tâm, Chúng tôi chuẩn bị, Chúng tôi thịnh vượng” cho vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021, phản ánh cam kết của ASEAN trong việc quan tâm đến người dân, chuẩn bị và thích ứng với các cơ hội và thách thức trong tương lai bằng cách đảm bảo rằng ASEAN vẫn có liên quan và Cộng đồng của nó có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng, đặc biệt là trước những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra. EU đã cung cấp thông tin cập nhật về việc thực hiện các ưu tiên của mình cho giai đoạn 2019-2024, đặc biệt là EU Thế hệ Kế tiếp và Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác kinh tế và ghi nhận những nỗ lực nhằm tăng cường và củng cố hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư hai chiều giữa ASEAN và EU, mà có thể hỗ trợ quá trình phục hồi toàn diện của hai khu vực, đặc biệt đối với các Doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ. Các quan chức ASEAN và EU sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại EU-ASEAN cho giai đoạn 2020-2021 và mong muốn chương trình này được chính thức thông qua, đồng thời ghi nhận những tiến bộ mà Nhóm Công tác Hỗn hợp đã đạt được trong việc xây dựng Khung quy định các tham số của một Hiệp định Thương mại Tự do EU-ASEAN trong tương lai.

Các quan chức đã đánh giá năm thứ ba thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN-EU 2018-2022 và hoan nghênh những thành tựu quan trọng cho đến nay, với hơn 88% các dòng công việc đã đạt được hoặc hiện đang được giải quyết.

Các quan chức ASEAN và EU tái khẳng định tầm quan trọng và cam kết của họ đối với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững cũng như Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ UNFCCC, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bao gồm thông qua các cơ chế đối thoại ASEAN-EU có liên quan.

ASEAN và EU mong đợi Đối thoại ASEAN-EU lần thứ 3 về Phát triển Bền vững do Thái Lan đăng cai tổ chức vào năm 2021 và khẳng định quan tâm của họ trong việc khai thác hợp tác sâu hơn về các vấn đề như tài chính bền vững, phát triển xanh, phát triển con người và bình đẳng giới, số hóa và đổi mới, và bền vững kết nối. Hai bên cũng ghi nhận những nỗ lực khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các kế hoạch bao gồm Thỏa thuận Xanh của EU, Mô hình Kinh tế Xanh-Tuần hoàn- Sinh học (BCG) của Thái Lan và Kế hoạch Xanh 2030 của Singapore. Hai bên hoan nghênh mối quan hệ đối tác của EU với Trung tâm ASEAN về Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển Bền vững (ACSDSD) về tiêu dùng và sản xuất bền vững trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Cả hai bên hoan nghênh quan hệ đối tác ASEAN-EU về phát triển bền vững, bao gồm cam kết hơn 280 triệu euro của EU trong giai đoạn 2014-2020 để hỗ trợ các chương trình ASEAN-EU. EU và ASEAN hoan nghênh thành công gần đây của chương trình “Quyền của tàu tới bờ” và việc khởi động chương trình khu vực về di cư lao động trong lĩnh vực đánh bắt cá. Họ cũng hoan nghênh nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của phụ nữ di cư trong ASEAN của Sáng kiến Tiêu điểm EU-LHQ. Các quan chức EU và ASEAN khẳng định họ sẵn sàng tìm hiểu các hành động hợp tác phát triển hơn nữa.

ASEAN và EU hoan nghênh kết quả của Đối thoại Cấp cao ASEAN-EU lần thứ 2 về Môi trường và Biến đổi Khí hậu, diễn ra vào ngày 27 tháng 11 năm 2020, và tiến độ của các công việc liên quan về kinh tế tuần hoàn liên kết, tài chính bền vững, hành động khí hậu và nguồn vốn thiên nhiên. ASEAN hoan nghênh việc khởi động chương trình trị giá 5 triệu euro “Thực thi lâm luật, Quản trị và thương mại lâm sản trong ASEAN” và cả hai bên đều mong đợi việc khởi động chương trình trị giá 5 triệu euro về “Những thành phố ASEAN xanh thông minh”. Hai bên cũng hoan nghênh cuộc đối thoại về Công nghệ xanh và Bản đồ đổi mới cho chất thải nhựa và sản xuất bền vững thông qua một loạt hội thảo trên web, bắt đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 2021.

Hai bên hoan nghênh việc thành lập Nhóm Công tác chung về Dầu Cọ giữa các nước thành viên ASEAN có liên quan và Liên minh châu Âu và tổ chức cuộc họp khai mạc trực tuyến vào ngày 27 tháng 1 năm 2021. Cuộc họp giải quyết một số vấn đề như đã đề cập trong thông cáo báo chí của cuộc họp. Cuộc họp Nhóm Công tác chung thứ 2 về Dầu Cọ giữa các quốc gia thành viên ASEAN có liên quan và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 2021.

Về kết nối kinh tế và thương mại, hai bên hoan nghênh việc ra mắt chính thức 'Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN' (ACTS) vào ngày 2 tháng 11 năm 2020, với buổi lễ khai trương chính thức được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 năm 2020 trong khuôn khổ chương trình tiêu điểm “Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN từ EU ”(ARISE Plus). Các đại biểu nhấn mạnh vai trò của ACTS trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đường bộ xuyên biên giới và mang lại lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp và công dân trong khối.

Hai bên nhắc lại ủng hộ kết nối bền vững và tăng cường giữa ASEAN và EU, đồng thời kêu gọi triển khai hiệu quả Tuyên bố chung của Bộ trưởng về Kết nối được thông qua trong AEMM lần thứ 23 vào ngày 1 tháng 12 năm 2020. Hai bên hoan nghênh Hội thảo Kết nối Trực tuyến ASEAN-EU được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 năm 2020. Các đại biểu kêu gọi nhanh chóng ký kết Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện ASEAN-EU nhằm tăng cường hợp tác về hàng không dân dụng và thúc đẩy kết nối hàng không giữa ASEAN và EU. Hai bên hoan nghênh sự thành công của các dự án tăng cường kết nối giữa người với người giữa và trong các khu vực. Hai bên hoan nghênh chương trình tiểu điểm SHARE (Hỗ trợ của EU cho Giáo dục Đại học trong khu vực ASEAN) và nghiên cứu chung, đặc biệt là về Máy tính Hiệu suất cao và lập bản đồ và chuyển giao công nghệ xanh, được hỗ trợ bởi Công cụ Đối thoại Khu vực EU-ASEAN (E-READI). Hai bên hoan nghênh Hội nghị các quan chức cấp cao về kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất cùng Đối thoại với EU (ADGSOM + EU) trực tuyến do Malaysia chủ trì vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Về kết quả đạt được, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác về các vấn đề kỹ thuật số và khuyến khích cả hai bên tăng cường triển khai các chương trình, dự án hợp tác phù hợp với tầm nhìn của Kế hoạch Tổng thể về Kỹ thuật số ASEAN 2025 đã nêu.

Các quan chức hai bên hoan nghênh các cuộc đối thoại chính sách thực chất và sâu rộng tiếp tục được tổ chức giữa các chuyên gia EU và các đối tác ASEAN do E-READI hỗ trợ, nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính sách cùng quan tâm. Về mặt này, hai bên hoan nghênh các cuộc đối thoại do E-READI hỗ trợ như Đối thoại ASEAN-EU lần thứ 3 về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không theo quy định (IUU), được tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 2 năm 2021 và mong muốn giữ Đối thoại thứ 5 của các Quan chức Cấp cao về Giao thông Vận tải giữa EU-ASEAN, cũng như khởi động các cuộc đối thoại mới do E-READI hỗ trợ, bao gồm cả về năng lượng sạch, vào năm 2021 và lên lịch lại Đối thoại Chính sách Nhân quyền ASEAN-EU lần thứ 4 càng sớm càng tốt.
Cả hai bên đều thừa nhận rằng hòa bình, an ninh và ổn định ở ASEAN và EU đều dễ bị tổn thương bởi một loạt các mối đe dọa xuyên biên giới - bao gồm chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tấn công an ninh mạng, xâm phạm an ninh hàng hải và tự do hàng hải, buôn bán và sử dụng trái phép vật liệu hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, và sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng.

Cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng như đã khẳng định trước đây trong Tuyên bố ASEAN-EU về Hợp tác An ninh mạng được thông qua vào năm 2019.

Hai bên hoan nghênh sự tham gia ngày càng tăng giữa ASEAN và EU trong một loạt các vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng, bao gồm sự tham gia tích cực của EU với tư cách là đồng chủ tịch của hai luồng chuyên đề, về an ninh hàng hải cũng như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (CTTC), trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN. Họ hoan nghênh sự tham gia của EU trong sự kiện kỷ niệm trực tuyến “Khách mời của Chủ tịch”, được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Plus lần thứ 7 (ADMM-Plus) vào tháng 12 năm 2020. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hơn nữa Đối thoại giữa ASEAN-EU về các vấn đề an ninh, quốc phòng và quản lý khủng hoảng, đồng thời ghi nhận tham vọng của EU trong việc tuân thủ tất cả các cơ chế an ninh liên quan do ASEAN lãnh đạo, bao gồm cả ADMM-Plus. Hai bên mong đợi Đối thoại Cấp cao ASEAN-EU lần thứ 5 về Hợp tác An ninh Hàng hải. EU khuyến khích các Quốc gia Thành viên ASEAN xem xét tăng cường tham gia vào các hoạt động Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung của EU.
Hai bên tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ cũng như tôn trọng và thúc đẩy luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn và chuẩn mực đã được thống nhất quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Hai bên cũng tái khẳng định ủng hộ việc duy trì và củng cố một hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, dựa trên luật lệ với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhu cầu giải quyết các rào cản đối với thương mại quốc tế.

Cuộc họp được đồng chủ trì bởi Đại sứ Kok Li Peng, Đại diện thường trực của Singapore tại ASEAN, và ông David Daly, Trưởng ban Đông Nam Á của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, cùng với ông Mario Ronconi, Trưởng của Đơn vị khu vực Nam và Đông Nam Á, Tổng cục Đối tác Quốc tế của Ủy ban Châu Âu. Cuộc họp còn có sự tham dự của các thành viên Ủy ban đại diện thường trực ASEAN, các quan chức từ Ban thư ký ASEAN và EU. Các nước thành viên EU tham dự với tư cách quan sát viên.

Nabila Massrali
Spokesperson for Foreign Affairs and Security Policy
+32 (0) 2 29 88093
+32 (0) 460 79 52 44