Báo cáo thường niên của EU về Nhân quyền và Dân chủ trên Thế giới năm 2023 - Cập nhật về Việt Nam
1. Tổng quan về tình hình nhân quyền và dân chủ:
Dù Việt Nam đảm nhận vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc giai đoạn 2023-2025, có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền vào năm 2023. Không gian cho xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp, thể hiện bằng việc sách nhiễu, bắt giữ và kết án tùy tiện các nhà hoạt động và blogger. Các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường vẫn là mục tiêu hàng đầu: các luật sư nhân quyền bào chữa cho họ bị buộc tội lạm dụng các quyền tự do dân chủ mà Bộ luật Hình sự dự kiến sẽ có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Một số người trong số họ đã trốn khỏi đất nước. Các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền nhà nước.
Về tự do báo chí, Việt Nam xếp thứ 178/180 quốc gia trong Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2023 của Phóng viên Không Biên giới, trong khi xếp thứ 174 vào năm 2022. Nghị định an ninh mạng (53/2022/ND-CP) ban hành năm 2022 tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận thông qua việc ủy quyền truy cập dữ liệu người dùng theo các điều khoản được xác định mơ hồ, liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng. Trong lĩnh vực quyền lao động, việc phê chuẩn Công ước ILO 87 về tự do hiệp hội và thông qua nghị định về các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể vẫn đang chờ xử lý. Các án tử hình vẫn tiếp tục được thi hành mà không có thống kê chính xác về số trường hợp. Trong 29 trường hợp, hình phạt tử hình được giảm xuống chung thân nhờ quyết định được Chủ tịch nước ký.
Ở khía cạnh tích cực, điều luật mới về chuyển đổi giới tính tạo điều kiện cho người chuyển giới tiếp cận quá trình chuyển đổi giới tính mang tính hợp pháp, điều luật này đã được đề xuất lên Quốc hội và nhất trí đưa vấn đề này vào chương trình thảo luận tại kỳ họp thứ 8 vào tháng Mười năm 2024. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển có chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng Mười một năm 2023, chuyến đi đầu tiên của Báo cáo viên Đặc biệt tới Việt Nam kể từ năm 2017. Ông ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia nhiều hơn của công chúng vào các quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt là các nhóm lề hóa.
2. Hành động của EU - các lĩnh vực trọng tâm:
EU tập trung vào việc tăng tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận; tự do tôn giáo và tín ngưỡng; xã hội dân sự và dân chủ có sự tham gia chủ động; quyền bình đẳng và đa dạng (giới tính, người khuyết tật, LGBTI); quyền của thanh thiếu niên và trẻ em; quản lý công bằng và pháp quyền công bằng, bao gồm việc bãi bỏ hình phạt tử hình, tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và thực hiện hiệu quả các cơ chế nhân quyền.
EU đã tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền, yêu cầu được phép quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền và yêu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế và thăm viếng gia đình các tù nhân. Việc bảo vệ quyền lao động, ưu tiên và nghĩa vụ của EU theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, đã được đề cập trong nhiều trường hợp. EU ủng hộ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc sửa đổi bộ luật lao động cũng như phê chuẩn tất cả các Công ước cốt lõi của ILO và việc thực hiện chúng.
3. Cam kết chính trị song phương của EU:
Nhân quyền thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc thảo luận song phương với chính phủ. Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam vào tháng Sáu và Tiểu ban EU-Việt Nam về Quản trị tốt, Pháp quyền và Nhân quyền theo Thỏa thuận Tham gia và Hợp tác vào tháng Năm đã đề cập đến kế hoạch hành động của Việt Nam về các khuyến nghị đã được chấp nhận trong chu kỳ thứ ba của Hiệp định Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, tập trung vào các vấn đề được quan tâm.
EU đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và trao quyền cho các cá nhân: trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận (cả trực tuyến hoặc không), tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, sự thắt chặt không gian và môi trường làm việc cho các CSO, và việc bãi bỏ các chính sách án tử hình. EU cùng các Quốc gia Thành viên EU đã sắp xếp các chiến dịch, hoạt động và sự kiện trên mạng xã hội để thúc đẩy nhân quyền, bao gồm xung quanh các dịp như Ngày Thế giới chống Án tử hình, Ngày Quốc tế Nhân quyền và Ngày Quốc tế Phụ nữ. Các quốc gia thành viên cũng tổ chức các sự kiện về bình đẳng giới, quyền LGBTI và tình hình xã hội dân sự, nhằm giúp xây dựng một xã hội có khả năng chống chịu và hòa nhập hơn. Trước hai trường hợp án tử hình gây chú ý, các tuyên bố của địa phương EU đã được đưa ra; một tuyên bố của Người phát ngôn Đại diện Cấp cao EU đã được công bố về việc kết án một nhà hoạt động môi trường.
4. Cam kết tài chính của EU:
Với Chương trình Chuyên đề về Nhân quyền và Dân chủ và dòng ngân sách dành cho CSO, các hoạt động của xã hội dân sự đã được hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ trong nhiều lĩnh vực khác nhau: bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới; quyền của người dân tộc thiểu số (bao gồm cả quyền về đất đai); quyền trẻ em; kinh doanh và nhân quyền; trao quyền cho xã hội dân sự; quyền môi trường; quảng bá thông tin về các vấn đề nhân quyền trên mạng; tự do ngôn luận; quyền của người di cư, người trở về và người lao động phi chính thức; phản ứng ứng phó với COVID 19 và các quyền văn hóa. Thông qua một hành động do EU tài trợ và UNDP thực hiện, các hỗ trợ được dành cho quá trình xét xử công bằng, thực hiện Công ước chống tra tấn và bãi bỏ hình phạt tử hình. Quan hệ đối tác với Học viện Tư pháp được thành lập để đào tạo luật sư và thẩm phán về việc bãi bỏ án tử hình, đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề này trong sinh viên, học giả và các chủ thể phi nhà nước.
Mối quan hệ đối tác được xây dựng giữa Phái đoàn EU, các Quốc gia Thành viên, Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao trong bối cảnh “Tăng cường Pháp luật & Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) đã hỗ trợ việc thực hiện ICCPR và các hiệp ước khác như Công ước chống tra tấn, Công ước về quyền trẻ em và Công ước về quyền của người khuyết tật. EU JULE cũng bao gồm một hợp phần hỗ trợ các sáng kiến phi nhà nước nhằm tăng khả năng tiếp cận công lý.
Phái đoàn EU là nhà tài trợ chính cho Tuần lễ Hanoi Pride 2023 (18-24 tháng Chín) với 23 sự kiện cộng đồng như các không gian nghệ thuật, nỗ lực vận động và thảo luận về sức khỏe góp phần nâng cao tầm nhìn và nhận thức về các vấn đề LGBTI trên truyền thông và trong công chúng. Phái đoàn EU cũng hỗ trợ phát triển Mùa 2 của “Bộ Ba Đĩ Thõa”, một series phim trên YouTube nhằm làm giảm thái độ phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTI.
5. Bối cảnh đa phương:
Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương, EU duy trì đối thoại thường xuyên với Việt Nam về các vấn đề nhân quyền quốc tế trong bối cảnh Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78. Việt Nam tiếp tục không lên án hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và bỏ phiếu trắng trong tất cả các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về vấn đề này, ngoại trừ cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền mà Việt Nam đã bỏ phiếu chống. Vào tháng Mười một năm 2023, Việt Nam đã trình bày dự thảo báo cáo quốc gia đầu tiên cho chu kỳ thứ tư của cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát. Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã thực hiện 209 khuyến nghị (86,7%) với kết quả đáng kể, trong khi 30 khuyến nghị (12,4%) đang được thực hiện. Hai kiến nghị (0,9%) đã được xem xét thực hiện.