This isn't an official website of the European Union

Khám phá truyền thông đa phương tiện bền vững: Workshop 3 của dự án 'Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU-Việt Nam'

*

Từ 11.12 đến 15.12.2024 tại Biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sẽ diễn ra workshop 3 của dự án EVSDA, tập trung vào chủ đề 'Khám phá truyền thông đa phương tiện bền vững', và với các hoạt động: 

Triển lãm đồ hoạ thực tế ảo tăng cường (AR Experience) mang tên Ngóc Ngách với sự góp mặt của 30 nghệ sĩ và NTK trẻ. Với chủ đề Ký Ức Lõi, các tác phẩm xoay quanh những ký ức mang nhiều cảm xúc – mang tính thiết lập bản sắc cá nhân của các nhà sáng tạo. Thông qua các tác phẩm, mối quan hệ giữa đời sống – văn hoá – nghệ thuật len lỏi giữa ba miền đất nước sẽ được tái hiện trong cùng một không gian. Sau thành công của triển lãm “Xôn Xao” vào năm 2021 với sự tham gia của công nghệ AR giúp cộng hưởng và lan toả thông điệp nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ, triển lãm Ngóc Ngách lần này quy tụ số lượng tác giả và tác phẩm quy mô và hoàn chỉnh, trọn vẹn với trải nghiệm thực tế ảo tăng cường mãn nhãn.

Buổi trò chuyện “Thiết kế tốt sẽ tồn tại dài lâu” cùng Thóc Journal (Việt Nam) - Thóc Journal là tổ chức kết nối và thảo luận về những góc nhìn khác biệt xoay quanh thị giác đương đại Việt Nam thông qua các cuộc trò chuyện thân mật và triển lãm cộng đồng. 

Workshop “Trực quan hóa dữ liệu: Một góc nhìn về đô thị hóa ở Hà Nội” do NTK Viola Bernacchi (Ý/Hà Lan) dẫn dắt, nhằm hướng dẫn các NTK làm quen với khái niệm dùng dữ liệu kết hợp với thuật toán và tư duy đồ hoạ để tạo ra các tác phẩm thiết kế đương đại đặc sắc, phản ánh tinh thần mới mẻ của thời đại và lồng ghép vào đó những dữ liệu mô tả bối cảnh đô thị hoá của thành phố Hà Nội. 

Buổi trò chuyện “Yếu tố bền vững từ góc nhìn văn hóa” - Trò chuyện cùng Anna Szylar (Monstermind Studio, Ba Lan) & Huỳnh Minh Thống (Thóc Journal, Việt Nam) chia sẻ những trải nghiệm của họ trong quá trình hình thành và tạo ra những dự án truyền thông đa phương tiện giúp gìn giữ và tôn tạo vẻ đẹp của văn hoá truyền thống. 

Buổi trò chuyện với chủ đề “Tìm hiểu về các hình thái media mới” do NTK Anna Szylar (Monster Mind Studio, Ba Lan) & Nghệ sĩ đa ngành Trung Bảo (Fustic.Studio, Việt Nam) trình bày, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và phương thức tổ chức các triển lãm nghệ thuật trong môi trường kĩ thuật số với những ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trong khuôn khổ workshop, một tiệc networking do Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chủ trì sẽ được tổ chức, dành cho thành viên cộng đồng thiết kế, sáng tạo và nghệ thuật của Hà Nội. 

 

Về các khách mời của sự kiện

VIOLA BERNACCHI (Ý) là một nhà thiết kế và người thực hành thị giác làm việc với dữ liệu, hiện đang sinh sống tại Hà Lan. Cách tiếp cận của cô về thiết kế kết hợp nền tảng lý thuyết với mong muốn xây dựng các hệ thống thị giác qua đó có thể tìm hiểu về những câu chuyện nhiều lớp lang.

Viola là một thành viên của RNDR, một studio chuyên về thiết kế truyền thông tương tác, nơi thực hành của cô khám phá mối quan hệ giữa coding và thiết kế. Từ các dữ liệu đầu vào, cô cùng các chuyên gia liên ngành thực hiện các dự án khác nhau cho các tổ chức văn hoá, trường đại học và các khách hàng sáng tạo trên toàn thế giới - từ các triển lãm mang tính vật lý và tương tác, đến các tác phẩm mang căn tính thị giác tái tạo.

Cùng với đội ngũ RNDR, Viola từng làm việc cho các công ty và viện nghiên cứ như Audi, Autostadt, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), Đại học Công nghệ Delft, Space10, Hội nghị Chính phủ Dubai, Quỹ Wellcome, Bộ Kinh tế Hà Lan, và nhiều tổ chức khác. Trong những năm qua, cô đã thực hiện các workshop chuyên sâu về thiết kế dữ liệu và tham gia giảng dạy cho khóa Thạc sĩ GEO-Design, Học viện Thiết kế Eindhoven.

https://rndr.studio/

 

ANNA SZYLAR (Ba Lan) là giám tuyển và nhà quản lý văn hóa với 10 năm kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế trong lĩnh vực media mang tính trải nghiệm bao trùm. Là người khởi xướng và giám tuyển của Liên hoan Digital Cultures, Anna giúp lan toả và quảng bá nghệ thuật Ba Lan, và cũng được biết đến qua nhiều dự án mang tính quốc tế, cộng tác cùng các liên hoan như SXSW, MUTEK, LHP Tribeca, LHP Tài liệu Sheffield, và nhiều dự án khác.

Từ 2020-2023, cô làm việc tại Visual Narratives Laboratory (vnLab), phụ trách điều phối thực tế ảo (VR) và quan hệ quốc tế. Cô còn là Cố vấn Chương trình cho các liên hoan mang tính trải nghiệm bao trùm, bao gồm IDFA Doc Lab.

Năm 2024, cô thành lập Monster Mind Studio, giúp các nghệ sĩ tiếp cận các cơ hội triển lãm và liên hoan quốc tế để phát triển các chương trình XR (thực tế mở rộng). Anna cũng tham gia các dự án nghiên cứu về xây dựng kho lưu trữ thực tế ảo và ủng hộ sản xuất số bền vững.

https://monstermind.studio/ 

 

TRUNG BẢO là nghệ sĩ đa ngành và một nghệ sĩ tiên phong với những thử nghiệm về tiếng giọng. Anh là đồng sáng lập Fustic.Studio và dự án Voice Gems – hệ thống tạo sinh, giọng nói chuyển hoá những chất giọng độc đáo của con người thành các tác phẩm nghệ thuật độc bản dưới dạng đá quý kỹ thuật số và điêu khắc vật lý. Những dự án của Trung Bảo nằm tại giao lộ kết nối nghệ thuật, công nghệ và văn hoá bản địa, nơi âm thanh hòa quyện với hình ảnh, tôn vinh những giá trị truyền thống. Anh là một nguồn cảm hứng tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật đa phương tiện, kết nối công nghệ tiên tiến với các câu chuyện văn hóa, góp phần làm phong phú bức tranh nghệ thuật Việt Nam và câu chuyện toàn cầu về tương lai của nghệ thuật, sáng tạo và công nghệ.

Năm 2024, Trung Bảo nổi bật trong làng nghệ thuật với những dự án đột phá. Anh tham gia triển lãm Small V0ICE tại Mỹ, với đề tài nói về mối quan hệ phức tạp giữa trí tuệ nhân tạo và sự sáng tạo. Tại sự kiện TIME100 Những Người có tầm Ảnh Hưởng Nhất trong lĩnh vực AI ở Dubai, Trung hợp tác cùng Reeps100 trình diễn màn song ca 190BPM giọng người và AI tại Bảo tàng Tương lai.

Trung khai mạc Liên hoan Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 tại Nhà hát Lớn với tiết mục "Kẻ Chợ" - một trải nghiệm hòa trộn âm nhạc truyền thống và hiện đại, tôn vinh bản sắc văn hóa Hà Nội.

Ngoài các dự án quy mô, Trung hợp tác cùng Ngô Hồng Quang trong "Về Kinh Bắc" - một màn diễn tái hiện âm nhạc dân gian Bắc Bộ, tôn vinh vẻ đẹp của quan họ và hát xẩm trong bối cảnh đương đại. 

https://fustic.studio/About

 

HUỲNH MINH THỐNG là nhà thiết kế - giám đốc sáng tạo tự do, tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những dự án độc lập, Thống đang vận hành tổ chức Thóc Journal - nơi được sinh ra với sứ mệnh tìm kiếm và vinh danh các nhà sáng tạo với góc nhìn thị giác đương đại khác biệt tại Việt Nam thông qua các cuộc hội thoại giá trị và triển lãm kết nối cộng đồng. 

Trong hành trình phát triển của mình, anh đã có nhiều dự án hướng về cộng đồng sáng tạo, một trong số đó, anh đóng vai trò Trưởng Ban Tổ Chức trong triển lãm AR "Xôn Xao" (2020, TP. HCM), đồng hành với vị trí Giám Đốc Nghệ Thuật triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Chiron Dương trong triển lãm “Đêm Trong Rừng Ngập Mặn” (2022, TP. HCM), và Giám Đốc Sáng Tạo và Trưởng Ban Tổ Chức trong triển lãm AR “Ngóc Ngách” (2024, Hà Nội).

Giáo dục cũng là một trong những khía cạnh Thống quan tâm. Với Thóc Field - một trung tâm đào tạo thông qua các workshop chuyên ngành về thiết kế - sáng tạo, anh hiện là nhà sáng lập và là một trong những người dẫn dắt workshop trong lĩnh vực hệ thống thiết kế thị giác. Bên cạnh đó, anh đang đồng hành với Xôn Xao Studio nơi tạo ra các giải pháp về nhận diện thương hiệu, thiết kế sách, thiết kế bao bì, trang web và hình ảnh thị giác đương đại trong vai trò Đồng Sáng Lập và Giám Đốc Nghệ Thuật.

https://www.behance.net/toddhuynh

 

Về “Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU-Vietnam” (EVSDA)

Được khởi xướng bởi Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), dự án EVSDA mang mục tiêu thúc đẩy và phát triển các hoạt động và cộng đồng thiết kế bền vững tại Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển toàn diện và mang tính bền vững của Việt Nam – đây cũng là một trong những ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam.

Đồng triển khai cùng tạp chí ELLE Decoration Vietnam, giai đoạn đầu tiên của dự án EVSDA sẽ bao gồm chuỗi sự kiện và hoạt động diễn ra từ tháng Chín năm 2024 đến mùa xuân năm 2025, hướng đến Sự kiện Ra mắt Giải thưởng EVSDA vào giữa năm 2025. Trong giai đoạn sau của dự án, Giải thưởng này sẽ được tổ chức thường niên.

Dự án EVSDA gồm bốn cột trụ nội dung chính, tương đương với bốn Hạng mục của Giải thưởng: Kiến trúc, Thiết kế Sản phẩm, Thiết kế Truyền thông và Giải pháp Đột phá. Thông qua các chiều hướng văn hóa và sáng tạo được giới thiệu qua những trụ cột này, dự án mong muốn giới thiệu các thực hành thiết kế sáng tạo và bền vững giúp mang tới các trải nghiệm cụ thể mang tính tích cực trong cuộc sống hàng ngày.

Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ về mục tiêu của dự án EVSDA: “Dự án thể hiện tham vọng của chúng tôi trong việc phát triển một khung đổi mới nhằm hỗ trợ quá trình đem tới những đổi thay tích cực và mang tính sáng tạo cho cuộc sống. Với dự án này, tôi rất mong đợi được kết nối với các kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kỹ sư, người làm nghệ thuật và người thực hành hướng đến đổi mới của Việt Nam, những người sẽ tạo ra một cây cầu kết nối thế giới của nghệ thuật và văn hóa với thế giới của khoa học và công nghệ, mang tới những ý tưởng cảm hứng kết hợp tính bền vững, thực tiễn và thẩm mỹ, mang lại lợi ích lớn. Để giúp dự án diễn ra thành công, chúng tôi mong có thể làm việc với những tầm nhìn sáng tạo.”

Thông tin cập nhật về dự án có thể truy cập tại trang Facebook của Phái đoàn EU: www.facebook.com/EuandVietnam hoặc trang group của EVSDA: www.facebook.com/groups/euvn.sda

Dự án EVSDA được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa của Liên minh châu Âu. 

Cô Viên Ngọc Bích, Ban Chính trị, Báo chí & Thông tin, Phái đoàn EU, ĐT: 024-39461783 hoặc email: [email protected]