This isn't an official website of the European Union

Du học châu Âu: Những chân trời rộng mở

Bài viết của Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier

Là quê hương của nhiều trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới, với sự đa dạng trong các lựa chọn học tập và chi phí hợp lý, sự linh hoạt trong công nhận tín chỉ - bằng cấp và nền giáo dục lấy người học làm trung tâm hướng tới hạnh phúc lâu dài, châu Âu vẫn luôn khẳng định được sức hấp dẫn đối với du học sinh Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Theo thống kê chính thức của Liên minh châu Âu, tính từ năm 2022, có tới 1.66 triệu du học sinh (từ các quốc gia EU khác hoặc từ các quốc gia không thuộc EU) theo học các chương trình giáo dục bậc cao trên khắp châu Âu. Du học tại châu Âu mang lại nhiều lợi thế về chi phí, nhờ vào các chính sách hỗ trợ giáo dục mạnh mẽ từ chính phủ của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Với mục tiêu khuyến khích giáo dục và mở rộng cơ hội tiếp cận cho sinh viên quốc tế, nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng mức học phí thấp hoặc thậm chí miễn học phí cho những sinh viên theo học tại các trường đại học công lập.

Các chính sách học bổng phong phú với hàng trăm ngàn chương trình trải dài khắp châu Âu cũng là một ưu thế. Trong số đó, tôi muốn nhấn mạnh tới chương trình Erasmus+ danh giá, một trong những chương trình học bổng được biết đến rộng rãi và được yêu thích nhất của EU. Chương trình này trao tặng học bổng và tài trợ cho các sinh viên có cơ hội trải nghiệm học tập tại nhiều quốc gia châu Âu. Đây là một chương trình rất uy tín.

Bên cạnh chương trình này, châu Âu còn cung cấp nhiều học bổng hơn so với các châu lục khác, khiến việc du học ở châu Âu càng trở nên hấp dẫn hơn. Các chính sách học bổng vùng, học bổng từ chính các trường đại học thực sự hỗ trợ giảm gánh nặng tài chính và giúp giấc mơ du học châu Âu của nhiều sinh viên trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Không chỉ nổi bật với chi phí hợp lý mà châu Âu còn mang lại sự đa dạng về các chương trình học. Sinh viên có thể lựa chọn từ các chương trình dài hạn như cử nhân, thạc sĩ, đến các khóa học ngắn hạn như khóa học mùa hè hay các khóa học ngôn ngữ. Điều này mở ra nhiều cơ hội để sinh viên quốc tế trải nghiệm hệ thống giáo dục tiên tiến và hòa mình vào môi trường đa văn hóa đặc trưng của châu Âu.

Một trong những điểm nổi bật là tính lưu động về học thuật nhờ tiến trình Bologna – một thỏa thuận giữa các quốc gia EU nhằm thống nhất hệ thống giáo dục bậc cao xuyên suốt toàn khối. Khung thống nhất này đảm bảo sự công nhận chung của các bằng cấp và quá trình học tập mà sinh viên đã hoàn thành tại các trường đại học khác, đơn giản hóa quá trình chuyển tiếp cho sinh viên muốn học tập tại nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ đó, sinh viên có thể làm phong phú trải nghiệm học tập và hình thành tư duy đa chiều trong môi trường đa văn hóa. Tiến trình này còn chuẩn hóa chất lượng giáo dục, đảm bảo rằng dù học tập tại quốc gia nào trong khối EU, sinh viên cũng có thể tận hưởng một nền giáo dục có tính đồng nhất cao và được quốc tế công nhận, từ đó tối ưu hóa cơ hội học tập và phát triển tại nhiều quốc gia khác nhau.

Môi trường đa văn hóa làm giàu trải nghiệm và phát triển kỹ năng

Dĩ nhiên, lợi ích của việc học tập ở châu Âu không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức trong giảng đường. Về điều này, tôi muốn nhấn mạnh các điểm hấp dẫn không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới như sau.

Đầu tiên là về việc học ngôn ngữ. Sinh viên ở châu Âu có nhiều cơ hội học tập bằng tiếng Anh, khi ngày càng nhiều trường đại học trên khắp lục địa cung cấp các khóa học bằng ngôn ngữ toàn cầu này. Hơn nữa, với 24 ngôn ngữ chính thức và nhiều phương ngữ được sử dụng trên khắp 27 quốc gia EU, việc học tập ở châu Âu mang lại cơ hội độc đáo để học một ngôn ngữ mới trong và ngoài phạm vi lớp học. Sự đa dạng ngôn ngữ này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm học tập mà còn nâng cao cơ hội việc làm, bởi khả năng ngoại ngữ được đánh giá cao trong thị trường lao động toàn cầu ngày nay.

Thứ hai là về những di sản và văn hóa châu Âu. Dù bạn ghé thăm bất cứ nơi nào ở châu Âu, bạn sẽ ngay lập tức bắt gặp những giá trị lịch sử, văn hóa và những nét đẹp đặc biệt. Những ngôi nhà riêng hay các tòa nhà đầy dấu ấn lịch sử từ nhiều thế kỷ trước, cùng với đó là những bảo tàng trưng bày những bộ sưu tập tuyệt vời nhất có thể tìm thấy ở khắp châu Âu. Bên cạnh sự sáng tạo đổi mới và công nghệ, châu Âu vẫn là cái nôi của triết học, văn học, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật và thể thao. Nhiều trường đại học của chúng tôi được thành lập từ thế kỷ 11 hiện vẫn còn nằm trong các tòa nhà có niên đại từ thời Trung cổ. Đó là điều khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Trên hết, tôi cũng muốn chia sẻ một thông tin thiết thực sẽ thu hút sự quan tâm lớn đối với những sinh viên đang cân nhắc kế hoạch học tập tại châu Âu. Kể từ tháng 5/2018, quy định điều chỉnh về chính sách visa cho phép sinh viên và nghiên cứu sinh được ở lại châu Âu ít nhất 9 tháng sau khi hoàn thành chương trình học hoặc nghiên cứu để tìm việc làm hoặc thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, sinh viên sẽ có quyền làm việc ít nhất 15 giờ mỗi tuần. Điều này đặc biệt giúp ích với những sinh viên muốn tự trang trải chi phí học tập tại châu Âu.

Tóm lại, điều này có nghĩa là việc học tập ở châu Âu đã trở nên linh hoạt hơn, hợp lý hơn về chi phí, và mang lại nhiều cơ hội hơn để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp tại thị trường lao động châu Âu.

Cơ hội tiếp cận thông tin toàn diện về du học châu Âu

Nhân dịp này, tôi muốn mời các bạn đến với Tuần lễ Giáo dục châu Âu hàng năm sắp diễn ra. Năm 2024 đánh dấu quy mô lớn nhất kể từ khi sự kiện này bắt đầu được tổ chức từ năm 2014, với sự tham gia trực tiếp lần đầu tiên của đại diện đến từ gần 60 trường đại học trên khắp châu Âu, sẽ cung cấp những thông tin chi tiết nhất về các chương trình học tập, ngành học, và các cơ hội học bổng hấp dẫn.

Ngoài ra, Ngày Erasmus+ Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ Tuần lễ Giáo dục châu Âu 2024, với mục tiêu chia sẻ những thông tin toàn diện về chương trình Erasmus+ dành cho các trường đại học, tổ chức và các nhà quản lý giáo dục, đồng thời tạo cơ hội cho các trường đại học Việt Nam và châu Âu mở rộng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các dự án hợp tác, và thiết lập quan hệ đối tác mới.

Tôi muốn kết luận lại rằng học tập ở châu Âu là một trải nghiệm độc đáo: một trải nghiệm học thuật - văn hóa - xã hội và cá nhân. Điều các bạn mang theo khi trở về với Việt Nam là một châu Âu của riêng các bạn, cùng với đó là những giá trị về lịch sử, xã hội và sự đổi mới sáng tạo đã thực sự giúp các bạn mở mang trí tuệ.