Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra tại Hà Nội
Toàn văn thông cáo báo chí chung giữa EU và Việt Nam Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên tại Hà Nội vào ngày 9 tháng Sáu vừa qua. Hai phái đoàn Việt Nam và EU đều bày tỏ sự đánh giá cao về quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020. Quan hệ đối tác này cũng được thể hiện qua các trao đổi thường xuyên giữa các đoàn cấp cao của EU và Việt Nam. Hai bên đưa ra những cam kết với việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam và EU, cũng như với việc vượt qua các thách thức về nhân quyền. Hai phái đoàn cũng thảo luận chi tiết về các biện pháp bảo vệ và quảng bá nhân quyền ở Việt Nam và EU kể từ kỳ Đối thoại trước đó. EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động. Hai phái đoàn đã trao đổi quan điểm và mối quan tâm về pháp quyền và tiếp cận công lý, việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, sự bảo vệ các cá nhân trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Hai bên cũng cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy nhân quyền. Cả hai bên nhấn mạnh rằng tất cả các quyền con người đều mang tính phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Những tiến bộ và phát triển liên quan đến bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người LGBTI, cũng như liên quan đến việc chống nạn buôn bán người cũng được thảo luận chi tiết. Việt Nam và EU ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác, cũng như sự cần thiết đảm bảo môi trường thuận lợi để họ có thể tham gia hiệu quả, bao gồm trong khuôn khổ Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) cũng như trong khuôn khổ EVFTA. Hai bên nhắc lại lập trường của mình về án tử hình, và nhất trí trao đổi thêm về vấn đề này. Nội dung thảo luận cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác giữa hai bên, bao gồm việc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền, triển khai các khuyến nghị UPR đã được chấp nhận và chuẩn bị cho chu kỳ thứ 4 của cơ chế UPR sắp tới. Hai bên cũng thảo luận và xem xét các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt trong thời gian Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. EU ghi nhận vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc ra nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna, trong đó tái khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người . Việt Nam và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn trong lĩnh vực này, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương. |