Về vở diễn
Với cảm hứng từ chất liệu giấy dó xuất hiện trong nhiều hình thái nghệ thuật dân gian xuyên suốt lịch sử, tác phẩm ‘Dó’ là tổng hòa của âm nhạc cổ điển châu Âu và những sắc thái muôn màu của văn hóa Việt Nam, thể hiện qua ngôn ngữ ballet đương đại.
Gợi nhắc đến từ đồng âm trong tiếng Việt – ‘gió’ – vở ballet ‘Dó’ đồng thời mở ra cảm thức về chuyển động, tính linh hoạt, những nét tươi mới, sự tụ hội – đây cũng là những giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu.
Âm nhạc trong ‘Dó’ như một mối dây liên kết quá khứ và hiện tại của nhạc cổ điển châu Âu, giới thiệu đến khán giả Việt Nam tác phẩm ‘Bốn Mùa’ kinh điển của Antonio Vivaldi, trong phiên bản được chuyển soạn bởi nhà soạn nhạc đương đại Max Richter.
Ra đời năm 1723, tổ khúc ‘Bốn Mùa’ vẽ nên khung cảnh đồng quê bình dị và trở thành một tác phẩm vượt thời gian: xuyên suốt bốn phần, một thế giới âm thanh đa dạng của các hiện tượng tự nhiên và cuộc sống con người được khắc họa sinh động.
Qua dàn dựng của NSƯT, biên đạo Phan Lương và nghệ sĩ, biên đạo Vũ Ngọc Khải, ‘Bốn Mùa’ đem tới sự thăng hoa của các màn vũ đạo trong ‘Dó’, ở đó mỗi bước nhảy, mỗi chuyển động trên sân khấu đều là biểu hiện của tâm hồn, của những trải nghiệm cảm xúc trong bản giao hưởng của cuộc sống.
EUDEL Vietnam
Nhóm dự án
- Đạo diễn: Hương Na Trần
- Biên đạo: NSƯT Phan Lương - Vũ Ngọc Khải
- Vai chính: NSƯT Thu Hằng - Đức Hiếu - Hà Tứ Thiên
- Nhạc trưởng: Đồng Quang Vinh
- Dàn nhạc: Dó Orchestra
- Giám đốc Sản xuất: Nguyễn Thành Trung
- Biên tập Âm nhạc: Vũ Huy
- Ánh sáng: Phạm Trịnh Bảo Tân
- Âm thanh: Hoàng Việt
- Thiết kế Phục trang: Đào Hồng Anh
- Thiết kế Đồ họa: INCA Media
CHƯƠNG 1: MÙA ĐÔNG
Gió Hoang – Buộc Gió – Gió Đổi Chiều
Trong tác phẩm ‘Dó’, thời gian trôi ngược, mùa đông không báo hiệu sự kết thúc, mà cũng là sự khởi đầu cho những suy ngẫm mới, một cuộc đối thoại không ngừng giữa con người và tự nhiên.
Giữa nền bức tranh mùa đông, thiên nhiên bước vào giấc ngủ dài, những cơn gió hoang xuất hiện, vẫy vùng không kìm hãm.
Gió hoang nhớ về sự hoang dã và tự do; còn con người, trước sự hùng vĩ của tự nhiên, tìm cách gắn kết, ‘buộc gió’, trong một nỗ lực dường như vô vọng để kiểm soát, biến hóa tự nhiên theo ý mình, khao khát níu giữ những vẻ đẹp, dù biết rằng mọi điều đều phải trôi đi.
Nhưng các cơn gió không cho phép sự ràng buộc, bắt nguồn từ không trung, và trở về với không trung.
CHƯƠNG 2: MÙA THU
Gió Mơn – Gọi Gió
Mùa thu quyến rũ, đằng sau vẻ ngoài tĩnh lặng thì thầm, ẩn chứa thế giới sắc màu và cảm xúc của đất trời.
Dưới góc nhìn của hai biên đạo, mùa thu trong tác phẩm không đơn thuần là sự chuyển giao giữa đông và hè, mà là một quãng thời gian đặc biệt, của những bước chân trên thảm lá và dưới bầu trời cao rộng, của lời giã từ khi cây cối chuyển màu, tiếng chuyện trò khe khẽ dưới hàng cây, mây bay về cuối trời.
Một vẻ đẹp thoáng qua, khó nắm bắt. Chỉ còn lại một hình ảnh, một kỷ niệm.
CHƯƠNG 3: MÙA HẠ
Ngược Gió – Lặng – Cuốn Theo Chiều Gió
Mùa hạ trong ‘Dó’ thể hiện những năm tháng rực rỡ và nhiều biến chuyển của dòng chảy cuộc sống, giữa những bão tố cũng như bình yên, sự trầm mặc cũng như niềm hứng khởi.
'Ngược gió' mang ý nghĩa về sức mạnh, lòng can đảm của con người, nỗ lực không khuất phục trước thiên nhiên và những khắc nghiệt.
'Lặng' là khoảnh khắc của sự tĩnh tại sau cơn giông bão, yên bình trong tâm hồn. Lời gợi nhắc rằng dù cuộc sống có biến động thế nào, vẫn luôn có chỗ cho sự thanh thản.
'Cuốn theo chiều gió' là sự giải phóng, thả hồn theo làn gió, sự tự do, khám phá muôn màu của cuộc sống.
CHƯƠNG 4: MÙA XUÂN
Gió Mùa – Gió Hát – Gió Say – Gió Xuân
Vở ballet ‘Dó’ kết thúc ở điểm khởi đầu – mùa xuân, giữa sự dâng trào sức sống, sự tái sinh, gạt bỏ những suy tư để cuối cùng hòa vào thiên nhiên và vạn vật.
Trong vũ điệu mùa xuân, các bản ca êm đềm vang vọng qua những con đường, giữa các tán cây đang nảy lộc. Loài người say đi trong cảm xúc một mùa mới mang lại, ngắm nhìn và cảm nhận từng khoảnh khắc mới.
Một năm nữa lại đến.
Trailer
NSƯT PHAN LƯƠNG
Nghệ sĩ Ưu tú Phan Lương (sn 1985) đã dành phần lớn cuộc đời mình để theo đuổi và phát triển bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật múa. Bắt đầu sự nghiệp khi còn rất trẻ, anh tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam (2004) và tiếp tục học tại các trường danh tiếng như Học viện Nghệ thuật Hongkong, Alvin Ailey School (New York, Mỹ), và Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội.
NSƯT Phan Lương bắt đầu hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp năm 2005 tại Hong Kong Ballet, sau đó là Expressions Dance Company (Australia), Skånes Dansteater (Thụy Điển) cũng như Anna Konjetzky Dance Company (Đức), và nhiều đoàn múa danh giá khác. Anh đã từng làm việc và biểu diễn với nhiều đạo diễn và biên đạo múa quốc tế, đồng thời tham gia các liên hoan múa và nghệ thuật nói chung trên toàn thế giới.
Không chỉ được biết đến với vai trò vũ công, NSƯT Phan Lương đảm nhiệm vai trò biên đạo trong các buổi diễn các tác phẩm múa nổi tiếng như nhạc kịch ‘Những người khốn khổ’, vở ballet ‘Hàm Lệ Minh Châu’, v..v.. Anh cũng là giảng viên tại nhiều trường đại học và cao đẳng, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với thế hệ vũ công trẻ.
Những thành tựu nổi bật của NSƯT Phan Lương bao gồm danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (trao năm 2016), Huy chương vàng tại Festival Múa quốc tế (2009 & 2019), cùng nhiều giải thưởng và học bổng danh giá khác. Năm 2022, anh được vinh danh là Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Múa chuyên nghiệp toàn quốc.
Hiện tại, NSƯT Phan Lương đang đảm nhận vai trò Trưởng đoàn Múa tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
VŨ NGỌC KHẢI
Biên đạo và diễn viên múa đương đại Vũ Ngọc Khải (sn 1985) đã tạo nên các dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng múa quốc tế với một sự nghiệp đa dạng. Sau thời gian dài theo học và làm việc ở các quốc gia khác nhau (Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Hàn Quốc..) hiện anh sống và thực hành tại Việt Nam trong vai trò một nghệ sĩ độc lập và giám đốc tổ chức.
Vũ Ngọc Khải đã hợp tác với nhiều biên đạo múa và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng, cũng như tham gia trong nhiều chương trình biểu diễn quan trọng trên toàn thế giới. Công việc của Vũ Ngọc Khải nổi bật với việc kết hợp múa đương đại với yếu tố truyền thống của Việt Nam, tạo ra một ngôn ngữ biểu đạt mới mẻ và độc đáo. Tác phẩm ‘Cái Tổ’ phát triển cùng nhạc sĩ Trí Minh và nghệ sĩ viola Trần Thị Ngọc Thủy là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách sáng tạo này, đồng thời khám phá các tiềm năng trong mối quan hệ giữa vũ đạo và âm nhạc.
Anh đã nhận được nhiều giải thưởng và học bổng quốc tế, bao gồm Giải nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế Ayang Young Choreographer Competition tại Hàn Quốc năm 2018; cũng như nhận được sự vinh danh qua các sáng kiến của Art Republik và Hanoi Grapevine tại Việt Nam.
Vũ Ngọc Khải cũng đã đạt được bằng cấp và chứng chỉ quốc tế trong nhiều lĩnh vực liên quan đến múa và thể chất. Năm 2021, anh trở thành giám đốc của Pilatesaigon tại Việt Nam; một năm trước đó, anh thành lập 1648kilomet, một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu đưa nghệ thuật và hoạt động cộng đồng gần hơn với công chúng.
Tác phẩm biên đạo của Khải phản ánh sự sâu sắc và tư duy phản biện về văn hóa và xã hội, từ ‘Nhang trời’ tại Hàn Quốc đến ‘Đáy giếng’ và ‘Đá đen’ tại Việt Nam. Anh cũng tham gia công tác giảng dạy và chia sẻ kỹ thuật múa tại nhiều nơi trên thế giới.
(Ảnh: Bettina Stoess)
VÉ MỜI
Đăng ký vé tại link sau: https://bit.ly/doballet-tickets
Thông tin vé mời:
- Vé mời không có giá trị thương mại.
- Bạn sẽ nhận được email xác nhận từ BTC trong vòng 72 tiếng nếu đăng ký của bạn đã thành công (vui lòng kiểm tra kỹ trong cả hòm thư Spam). Hướng dẫn nhận vé sẽ được thông tin chi tiết trong email xác nhận đăng ký.
- Sự kiện chỉ dành cho khán giả từ 12 tuổi trở lên.
- Thông tin liên hệ: [email protected]
EUDEL Vietnam